TRƯỜNG LÃNH ÐẠO
TRƯỜNG LÃNH ÐẠO LÀ GÌ
Theo quyển Tư tưởng Căn Bản của Phong Trào Cursillo (TTCBPTC), Trường Lãnh Ðạo được định nghĩa như sau: Trường Lãnh Ðạo là một nhóm kitô hữu, qua sự hiệp thông trong bầu khí hội nhóm, tìm phương cách giúp họ dấn thân hơn, hiệp nhất hơn để gia tăng sống đời sống kitô đích thực trong chính con người của họ, trong Phong Trào Cursillo và trong môi trường họ đang sống.
Trường Lãnh Ðạo, theo tiếng Anh là School of Leaders, là Trường họp cuả những người lãnh đạo. Trường Lãnh Ðạo không đào tạo ra những người lãnh đạo nhưng là nơi hội họp của những người lãnh đạo để thăng tiến con người của mình, dấn thân phục vụ cho Phong Trào nhiều hơn.
Cũng nên nhắc lại ở đây thế nào là người lãnh đạo PT. Qua khoá Cursillo, Phong Trào đào tạo những cursillistas về hoạt động ở các môi trường, họ là những người lãnh đạo môi trường. Nhưng chỉ có những ai chấp nhận dấn thân cho Phong Trào và lấy sự phục vụ Phong Trào làm công tác tông đồ ưu tiên mới được mời gọi vào Trường Lãnh Ðạo làm lãnh đạo Phong Trào.
Ngoài việc phúc âm hoá môi trường, người lãnh đạo Phong Trào còn dấn thân vào những hoạt động của Phong Trào trong ba giai đoạn: trong giai đoạn Tiền Cursillo, họ đã nghiên cứu và đưa người vào khóa Ba Ngày. Trong khóa Cursillo, họ là những trợ tá phục vụ khóa sinh. Trong thời Hậu Cursillo, họ là những người tham dự Hội nhóm và Ultreya.
LỊCH SỬ CỦA TRƯỜNG LÃNH ÐẠO
Vào giữa thập niên 1930 có một số người trẻ khoảng từ 16-30 tuổi bên Tây Ban Nha muốn phục vụ Chúa và Giáo Hội theo chiều hướng mới đắc lực hơn. Họ ngồi lại với nhau dự tính, bàn thảo một chương trình hành động. Những người này họp lại với nhau và tạo thành Trường Lãnh Ðạo đầu tiên của Phong Trào Cursillo. Như vậy Trường Lãnh Ðạo có trước PT Cursillo. Sau khi họ bàn thảo xong, nhóm người này tổ chức khóa Ba Ngày cuối tuần và PT Cursillo được khai sinh từ đó.
Ngày nay, Phong Trào Cursillo của Giáo phận do những người curillistas nồng cốt đã trải qua khóa Cursillo đứng ra thành lập. Và kèm theo đó là TLÐ cũng được mở ra trong Giáo Phận. Quyển "Những tư tưởng căn bản của Phong Trào Cursillo" nhấn mạnh vai trò của Trường Lãnh Ðạo: "Nếu không có Trường Lãnh Ðạo thì Phong Trào Cursillo chưa được trọn vẹn". Nói tóm lại là Trường Lãnh Ðạo và Phong Trào Cursillo phải hiện diện bên nhau luôn.
DANH XƯNG
Trường Lãnh Ðạo mang nhiều danh xưng khác nhau. Lúc đầu Trường Lãnh Ðạo được gọi là Nhóm Phục Vụ, sau đó gọi là Trường Giảng Sư (the Professors School), rồi Trường Lãnh Ðạo (Leaders’School và Shool of Leaders). Bên Bồ Ðào Nha người ta gọi là "Trường của những người đáp lại lời mời gọi" Từ trước Phong Trào Cursillo ngành Việt Nam gọi là Trường Huấn Luyện, và Văn Phòng Ðiều Hành PT/Cursillo TGP/LA trong phiên họp ngày 26 tháng 9, 1998 vừa qua đã lấy danh xưng là Trường Lãnh Ðạo cho phù họp với quyển sách: " Làm cách nào để hình thành Trường Lãnh Ðạo mà Văn Phòng Trung Ương ở Dallas của Phong Trào vừa cho xuất bản.
Nhưng dù có mang danh xưng nào đi nữa, Trường Lãnh Ðạo giữ một vai trò quan trọng trong sự phát triển của Phong Trào. Chính Trường khai sinh ra Phong Trào Cursillo , nuôi dưỡng và làm cho Phong Trào lớn mạnh, để tồn tại và vươn sức sống thành một Phong Trào tích cực cuả Giáo Hội.
MỤC ÐÍCH CỦA TRƯỜNG LÃNH ÐẠO
Vì Trường là một cơ cấu chính của Phong Trào nên Trường không thể thực hiện những gì khác hơn là mục đích của Phong Trào. Phong Trào giúp cho cursillistas sống một đời sống Kitô đích thực, phục vụ Chúa và sống hòa đồng với những người chung quanh. Do đó Trường gia tăng, giúp cho thành viên đạt được chủ đích mà Phong Trào đưa ra. Chính vì vậy mà Trường đánh động đến ba phương diện khác nhau:
Ở nơi thành viên - bằng khuyến khích, nâng đỡ tinh thần hầu giúp họ thăng tiến trí tuệ, giữ gìn tư tưởng "Sống đích thực của người Kitô" không bị lu mờ trong đầu họ mà trở nên sống động.
Ở nơi Phong Trào - cung cấp cho Phong Trào một nhóm lãnh đạo gồm có những người:
Sống và hiểu biết phương pháp Phong Trào để có thể hướng dẫn người khác.
Liên tục hóan cải con người của mình để sự thánh thiện của mình thu hút người khác.
Phát triển và duy trì hội nhóm.
Chuẩn bị và hòan thiện các buổi Ultreya.
Giúp cursillistas kiên trì sống phương pháp Cursillo
Nhận diện và khuyến khích các người lãnh đạo
Như thế mục đích của Trường là đào luyện những nhóm người cốt lõi để cung cấp cho Phong Trào. Họ là những người thấu hiểu mục tiêu và phương pháp của Phong Trào, sống đời sống Kitô đích thực. Họ có trách nhiệm gầy dựng các nhóm nhỏ và Ultreya trong giáo phận, biến hai nhóm này thành cộng đồng truyền giáo hữu hiệu.
CÁCH TỔ CHỨC TRƯỜNG LÃNH ÐẠO
Như Ðức Thánh Cha Gioan Phalô II đề nghị trong tông huấn "Người Tín Hữu": "Trường chuẩn bị cấp lãnh đạo trong công việc tông đồ của họ bằng cách thức riêng biệt của Phong Trào. Họ được đào luyện theo triết lý, phương pháp, cấu trúc mưu lược của khoá Ba Ngày."
Tuy Trường là một thành phần cốt yếu của Phong Trào, nhưng cách thức tổ chức, sinh hoạt của Trường Lãnh Ðạo không theo một phương pháp nhất định. Những hoạt động của Trường tùy theo nhu cầu, những hoàn cảnh địa phương. Do đó không có Trường Lãnh Ðạo nào giống Trường Lãnh Ðạo nào và không thể nào có một sắc thái đồng nhất trong mọi lúc. Những yếu tố khác như: nhân sự, trình độ và sự dấn thân của người lãnh đạo cũng ảnh hưởng đến sinh hoạt Trường Lãnh Ðạo (Trích sách LCNHTTLÐ).
Trường cũng không vay mượn bất cứ hình thức nào của các đoàn thể hoặc của các phong trào khác, không có một quy luật nào ấn định việc tổ chức Trờng Lãnh Ðạo.
THÀNH VIÊN CỦA TRƯỜNG LÃNH ÐẠO
Thành viên của Trường Lãnh Ðạo là những người đã tham dự khóa học Ba Ngày, họ tự do nhận lãnh trách nhiệm Phúc Âm hoá của Giáo Hội.
Tiêu chuẩn để chọn lựa thành viên là họ phải coi sinh hoạt Cursillo là một công tác tông đồ ưu tiên của họ, chấp nhận bỏ thì giờ, dấn thân cho Phong Trào. Ðiều này cũng dễ hiểu, là mỗi khi đã nhận một công tác tông đồ nào của giáo hội thì người đó phải đặt công tác tông đồ của mình lên hàng đầu. Có như vậy thì công tác tông đồ của mình mới hoàn thành tốt đẹp được.
Họ phải có thì giờ để phục vụ cho Phong Trào. Nhiều người bận bịu công việc làm ăn, hoặc tham gia vào quá nhiều đoàn thể khác nên họ không còn thì giờ nhiều cho Phong Trào. Nếu họ không đủ thì giờ họ, có thể giúp Phong Trào bằng những cách khác, nhưng Phong Trào cần những người có thì giờ rảnh rổi để tham dự các buổi họp của Trường Lãnh Ðạo và dấn thân giúp đỡ Hội Nhóm và Ultreya.( LCNHTTLÐ)
Họ có đời sống Kitô hữu đích thực, quyết tâm hăng say thăng tiến trong lãnh vực nên thánh qua việc thao dượt đức tin, hy vọng và bác ái một cách liên lỉ (điều 569 sách TTCBPTC). Thánh Timothy nói rõ bản tính của người lãnh đạo: "Nếu một người rượu chè, cờ bạc, đàng điếm, ích kỷ,hay nóng giận, không biết lắng nghe... làm sao họ có thể là người lãnh đạo trong giáo hội được? Làm thế nào một người không biết quản lý gia đình mình lại có thể lãnh trách nhiệm lo cho giáo hội Thiên Chúa". Làm người lãnh đạo Phong Trào, là làm tôi tớ. Hình ảnh Chúa Giêsu qùy xuống rửa chân cho các môn đệ là hình ảnh tiêu biểu của người lãnh đạo Phong Trào. Những lời nói, cử chỉ, hành động phải thể hiện tinh thần và sứ mệnh của giáo hội chứ không phản ánh bãn thân mình.
Những thành viên của Trường Lãnh Ðạo sẽ là những người nói bài trong các khoá cursillo. Các trợ tá trong các khoá là những thành viên của Trường Lãnh đạo đã được khoá sinh biết trong các môi trường của họ. Sở dĩ chọn thành viên của Trường làm trợ tá là để cho sự tương thân giữa trợ tá và khóa sinh được trọn vẹn và phong phú hầu tạo được một cộng đồng Kitô trong khóa và chuyển được sứ điệp của khoá Cursillo đến cho khóa sinh.
Hội Nhóm và Ultreya là những cơ hội thuận tiện để tìm thấy những thành viên tương lai của Trường. Một số những khuôn mặt sẽ nổi bật giữa đám đông nhờ vào những đức tính thiết yếu của người lãnh đạo như lòng trung trực, tính công bình, khả năng cởi mở, đối thoại, tinh thần cộng đồng và tiềm năng dấn thân (Ðiều 672 TTCBPTC).
Cuối cùng họ phải nhận thức trở thành người lãnh đạo trong Phong Trào là một ơn gọi đích thực. Chấp nhận lời mời gọi cũa Thiên Chúa. Ðiều này chúng ta sẽ bàn đến sau.
HÌNH THỨC SINH HOẠT
Phong Trào không đưa ra một hình thức sinh hoạt nào cho Trường Lãnh Ðạo. Tuỳ theo nhu cầu địa phương, mỗi Trường có hình thức sinh hoạt khác nhau. Tuy vậy những phần thiết yếu gồm có:
Hội nhóm của Trường Lãnh đạo giống như là hội nhóm của các nhóm nhỏ.
Bài Tín lý do một linh mục trình bày. Ðể khai triển ý hướng là một thành viên cuả giáo hội, những văn kiện của cộng đồng Vaticanô II như "về công tác truyền bá tin mừng trong thế giới ngày nay nên được giảng dạy."
Bài kỹ thuật do giáo dân trình bày. Trong năm nay Trường nhấn mạnh đến những bài nói trong khoá Ba Ngày, làm sao cho tất cả mọi thành viên của Trường hiểu và sống với những bài nói đó. Cho nên sau những bài nói có phần thảo luận hoặc vẽ tranh để hiểu biết thêm về những bài này.
Tiếp theo là sinh hoạt của các khối. Trong đó các khối sẽ học hỏi về mục đích của khối mình, những sinh hoạt, công tác của khối
Cuối cùng là viếng Thánh Thể góp phần vào chương trình hóan cải thành viên qua việc cầu nguyện chung. Có dịp nói với Chúa những khó khăn, những triển vọng, những dự tính của mỗi thành viên.