Chia Sẻ Trong Hội Nhóm

Giuse Thẩm Nguyễn

Trong cuốn “Hội Nhóm: Lý Thuyết của việc Thực Hành” của LM Juan Capo viết về hội nhóm như thế này: “Hội Nhóm không phải là một việc dư thừa, nhưng chính là một hình thức của đời sống; Thật khó có thể tìm ra những lý do để không tham dự Hội Nhóm, đặc biệt là nếu chúng ta hiểu vai trò quan trọng nhất của Hội Nhóm là tạo ra một chiều kích tâm linh cho mọi việc trong đời sống con người – mà đây cũng chính là ưu tiên một và là nguồn vui lớn nhất của bất cứ ai”

Và như mọi Cursillista đều hiểu rằng Hội nhóm là một trong những sinh hoạt quan trọng giúp người Cursillista tiếp tục tiến trình hoán cải. Hoán cải là một tiến trình liên tục, không phải chỉ ở khóa 3 ngày, hay một cơ hội nào, mà là liên tục trong hành trình ngày Thứ Tư của mỗi người.

Như vậy mục đích của hội nhóm là giúp nhau thăng tiến quá trình hoán cải và nên thánh.

Để việc hội nhóm được tiến hành nghiêm túc và có hiệu quả, trước hết cần phải tự mình trả lời câu hỏi cơ bản này là “Tôi có nhu cầu thăng tiến quá trình hoán cải để yêu Chúa nhiều hơn, để càng ngày sống thánh thiên hơn không?”

Nếu sau khi tự vấn lương tâm mà thấy mình có lòng khao khát để hoán cải thì họp nhóm quả là một sinh hoạt thiết yếu để giúp tôi đạt tới mục đích của đời sống mình. Ngược lại, nếu thấy mình không có nhu cầu sống tốt hơn, cứ sống như thế này là tốt rồi, không có thao thức để nên thánh thì việc họp nhóm sẽ không mang lại cho tôi ích lợi gì, đó chỉ là cuộc gặp mặt xã giao, vài lần là chán ngay.

Như vậy họp nhóm dành cho những Cursillista thực sự muốn kiếm tìm, trao đổi, học hỏi nơi người khác phương cách áp dụng để mình có thể luôn hoán cải mỗi ngày và được sống gần Chúa hơn.

Trong bài này, tôi chỉ muốn chú tâm vào việc chia sẻ trong hội nhóm về 3 khía cạnh, mà PT thường gọi là chiếc kiềng 3 chân: Đó là Sùng đạo, Học đạo và Hành đạo.

Muốn việc chia sẻ mang lại lợi ích thì cần phải có sự chuẩn bị. “Thiếu chuẩn bị là bạn đang chuẩn bị thất bại.”(By failing to prepare, you are preparing to fail.” – Benjamin Franklin). Nhưng không phải là chuẩn bị một câu chuyện ly kỳ với nhiều tình tiết, không phải chuẩn bị kể lể những gì mình đã làm, nhưng chính là xét mình, hồi tâm lại xem mình đã thực hiện các khía cạnh ấy như thế nào mỗi ngày trong cuộc sống, có ưu điểm gì, trở ngại gì. Những điều mình cảm nhận được về ơn hoán cải hay sống thân mật với Chúa.

Nhiều người đến giờ hội nhóm mới vội vàng tới nhóm, có khi quên ngày giờ hội nhóm, chẳng có sự chuẩn bị gì. Đến phiên mình chia sẻ thì chia sẻ cho có lệ, nghĩ sao nói vậy, có khi lại vay mượn ý tưởng của người khác để giải thích Kinh Thánh, hay là những câu chuyện dòng dài không đi vào thực sự chia sẻ. Người nói cũng không biết là mình đang nói về cái gì và người nghe thì lại càng lùng bùng, nên không tập trung lắng nghe được. Cuộc họp nhóm như vậy trước sau gì cũng tan vì chỉ là cuộc họp xã giao, khoe khoang, bàn chuyện bên lề hay tụ tập ăn uống. Người tham dự cảm thấy mất thì giờ vô ích.

Tự xét mình dưa trên kiềng 3 chân áp dụng trong gia đình, ngoài xã hội…trước khi tham gia hội nhóm.

Sùng đạo: là đưa ra cách mình đang thực hành để gặp Chúa hằng ngày trong ân tình. Có thể là đọc kinh, tham dự thánh lễ, viếng thánh thể, có thể là suy niệm, chiêm nghiệm, có thể là đọc Phúc Âm, sách đạo đức…

Không phải là kể ra đọc bao nhiêu kinh, bao nhiêu chuỗi mân côi, bao nhiêu thánh lễ, bao nhiêu giờ viếng thánh thể, giờ ngồi suy niệm hay bao nhiêu trang Phúc Âm, trang sách đạo đức, nhưng qua những cách ấy tôi đã gặp được Chúa, đã nhận ra Chúa hiện diện bên tôi, đã có những giây phút đặc biệt cảm thấy Chúa đụng chạm vào tâm hồn tôi, đã thấy Chúa thực sự can thiệp vào những biến cố cuộc đời tôi.

Cũng có thể nói về những giây phút thấy tâm hồn mình trống vắng, chán nản. Đây cũng chính là những giây phút Thiên Chúa gõ cửa tâm hồn để mình cảm thấy cần tìm đến Chúa!

Tôi có những trở ngại nào thực hiện các công việc đạo đức ấy? Những lúc đã vượt thắng và những khi vẫn thất bại. Tại sao? Nguyên nhân? Phương cách áp dụng? Bài học rút ra được từ những kinh nghiệm ấy?

Chia sẻ về sùng đạo là xét mình, nhìn lại mình, những ưu, khuyết điểm để có thể yêu Chúa hôm nay nhiều hơn hôm qua.

Chia sẻ về sùng đạo giúp chúng ta tỉnh thức và lắng nghe để nhận ra sự can thiệp của Chúa, ơn lành Chúa ban, hay là một lời mời gọi của Ngài… vì nhiều khi chúng ta cứ sống như đã sống mà không nhận ra những tác động có khi rất nhỏ của Chúa. Thường khi bệnh hoạn, khó khăn chúng ta mới chạy đến Chúa để xin ơn, nhưng có khi ngài ban ơn cho ta dưới hình thức khác thì ta lại không nhận ra.

Tóm lại, chia sẻ về sùng đạo là nói về mối thân tình của mình với Chúa và Chúa với mình, nói về mỗi hành vi của mình trong cuộc sống đều hướng về Chúa, để “Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giêsu và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha” (Col. 3:17)

Học đạo: không phải là huyên thuyên nói về những cuốn phim về đạo, những bài giảng của các cha, hay những trang web, youtube đã xem đã đọc mà là kể về cách tôi học đạo như thế nào và áp dụng việc hiểu biết ấy để làm giàu cho việc sùng đạo của tôi. Học đạo cũng có thể rút ra từ những biến cố hằng ngày, những tai ương dịch bệnh trong xã hội bởi vì chính cuộc sống này là sách khôn ngoan, là dấu ấn của Thiên Chúa trao lại cho con người, từ đó rút ra cái nhìn mới về đức tin, về Thiên Chúa.

Biến những kiến thức về đạo từ trí óc thấm nhập vào con tim để từ đó có những hành động phản ánh khuôn mặt của Chúa giữa chúng ta.

Học đạo cũng từ đó nhận con người thật của mình với nhiều giới hạn, khiếm khuyết dẫn đến khiêm nhường trong cách cư xử với tha nhân.

Cách chia sẻ phải cụ thể. Tại sao tôi áp dụng cách học đạo ấy, lợi ích thế nào? thành quả ra sao?Khó khăn gì?

Điều quan trọng là những điều chúng ta học được đã thay đổi cách suy nghĩ của chúng ta thế nào và có thể hướng chúng ta đến với Chúa và đến với tha nhân không?

Hành đạo: Tôi đã làm gì nơi gia đình, hội đoàn, sở làm đề làm sáng danh Chúa. Nhớ là sáng danh Chúa chứ không phải sáng danh tôi. Không phải là kể ra mình đã làm được gì nhưng là ý thức khi thực hiện những công việc ấy. Từ một tâm hồn luôn có Chúa đồng hành, từ một trái tim và trí óc nhận biết về Thiên Chúa hướng dẫn những hành đồng của tôi.

Hành đạo không chỉ là làm những việc lành, nhưng là làm công tác tông đồ nghĩa là dẫn đưa người ta về với Chúa. Cũng khó để phân biệt việc lành và việc tông đồ, vì việc lành, việc thể hiện yêu thương, cũng làm sáng danh Chúa vì “cứ dấu này mà người ta nhận biết các con là môn đệ của Thày” (Ga 13, 35). Như vậy hành đạo phát xuất từ ý thức của người thực hiện.

Kể lể chi tiết về việc giúp người homeless chiếc áo lạnh mới trong mùa đông vừa qua không bằng nói lên với ý thức nào, với động cơ yêu thương nào mà tôi đã làm việc ấy. Quan sát để thấy người homeless là hình ảnh Chúa Kitô, hay là tôi thấy Chúa Kitô trong con người nhếch nhác ấy và rồi sao nữa? Hành động nhân bản ấy phải được nhân ra với Chúa là tâm điểm, là nguyên nhân của mọi hành động tôi làm.

Hành đạo không hẳn là làm cái gì, mà ý thức mình là gì trong bàn tay Chúa, để nhờ Người, với Người và trong Người mà tôi làm việc đó. Người Cursillita phải là chính Tin Mừng và vì thế không có sự khác nhau giữa một người có quá nhiều việc làm để chia sẻ với người không làm gì để chia sẻ vì cả ngày chỉ quanh quẩn với con cái và những việc vặt trong nhà.

Chia sẻ về Sùng Đạo, Học Đạo và Hành đạo không phải là dịp kể công, nói về mình nhưng là dịp để tôn vinh Thiên Chúa cùng với các bạn trong nhóm, để thấy Chúa đã dùng người bình thường như chúng ta để thực hiện những điều kỳ diệu…

Không nên chia sẻ về cả 3 khía cạnh Sùng đạo, Học Đạo và Hành Đạo trong cùng một buổi hội nhóm. Mỗi người chỉ nên chọn 1 hay 2 trong 3 thôi. Nhưng hãy cầu nguyện, chuẩn bị chu đáo. Khi người tham dự nhận được những lợi ích của buổi hội nhóm, tôi tin là các nhóm sẽ họp hằng tuần như Phong Trào mong muốn.

Nói tóm lại, sở dĩ việc hội nhóm chưa hấp dẫn với nhiều lợi ích vì nhiều anh chị không có nhu cầu thăng tiến trong tình yêu Thiên Chúa. Tôi ù lì, bằng lòng với lối sống đạo hiện tại.

Nếu bạn không thích âm nhạc thì một buổi trình diễn âm nhạc thật hay cũng chẳng lôi kéo được bạn. Nếu bạn không có đam mê về đầu tư chứng khoán, thì nói về việc chứng khoán đang lên hay xuống sẽ chẳng là mối quan tâm.

Phải có sự khao khát được yêu Chúa nhiều hơn, được sống trong ân sủng của Chúa luôn thì chắc chăn hội nhóm sẻ là một nhu cầu không thể thiếu trong ngày thứ Tư của người Cursillista.

San Jose ngày 25 tháng 1 năm 2021

Trở về "Chia Sẻ"