Một virus thần học đang lây lan.
Michael Warsaw
Lược dịch: Giuse Thẩm Nguyễn
MỘT GHI NHẬN TỪ NHÀ XUẤT BẢN: Cái chết của Hans Küng là một dịp để suy ngẫm về quan điểm bất đồng của ông đã có ảnh hưởng như thế nào đến nhiều thành phần của Giáo hội, những tác động nguy hiểm ấy giờ đây có thể được nhìn thấy qua “Con đường Đồng Nghị” tại Đức.
Cái chết của Hans Küng, một nhà thần học bất đồng Thũy Sĩ và là một linh mục vào ngày 6 tháng 4 ở tuổi 93 đã gây ra phản ứng mạnh mẽ từ khắp nơi trên thế giới. Điều trước mắt nhất, đối với nhiều người, là cầu nguyện cho linh hồn của một con người đã lang thang và xa rời những giáo lý đích thực của Giáo hội qua nhiều thập kỷ kể từ Công đồng Vatican II. Kế đến là một phản ứng rất đáng buồn về tầm ảnh hưởng các bài viết và quan niệm của ông đã lan truyền như một loại virus trong Giáo hội, dẫn đến việc nhiều người cùng hành trình với ông đang rơi vào con đường sai lầm và chống lại Giáo hội.
Thật đáng tiếc, những ảnh hưởng nguy hiểm của loại virus này có thể được nhìn thấy khá rõ ràng trong cái gọi là “Con đường Đồng Nghị” đang được tiến hành ngay tại Đức.
Hans Küng in Hechingen (2009). (photo: Muesse / CC BY 3.0)
Cha Küng là một trong những nhà thần học nổi tiếng nhất trong 100 năm qua, và ông đã đạt được vị thế danh giá trước công chúng, lên tiếng phản đối những giáo huấn của Giáo hội, bao gồm những vấn đề như không thể sai lầm của giáo hoàng, trợ tử, phá thai, ngừa thai, truyền chức cho phụ nữ, năng quyền của giám mục, vấn đề linh mục độc thân, đồng tính luyến ái và thậm chí xem xét lại việc linh mục có cần thiết không để việc thánh hiến Thánh Thể hợp lệ. Các phương tiện truyền thông Công giáo thế tục và cấp tiến đã quảng bá sách của ông, cho ông nhiều thời lượng phát sóng và hoan nghênh những lời chỉ trích đầy ác ý thường xuyên của ông đối với Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI.
Cha Küng đã thực sự bị khiến trách vào năm 1979 bởi Bộ Giáo lý Đức Tin – Bộ nhận thấy rằng, trong các bài viết của mình, ông đã “rời xa chân lý toàn vẹn của đức tin Công giáo, và do đó ông không còn được coi là một nhà thần học Công giáo cũng như chức năng trong vai trò giảng dạy nữa. " Tuy nhiên, ông vẫn như là một anh hùng đối với nhiều thế hệ thần học gia, những người đã coi ông như dấu chỉ về một cuộc cách mạng thần học mới trong Giáo hội.
Cuộc cách mạng đó có thể đang xảy ra với chúng ta ở Giáo Hội Đức bằng Con Đường Đồng Nghị.
Cho rằng những bê bối lạm dụng tình dục bị cáo buộc và cuộc khủng hoảng suy giảm số người Công Giáo, các Giám Mục Đức đã tuyên bố vào năm 2019 rằng họ sẽ tập hợp hơn 200 thành viên của Hội Đồng Giám Mục Đức, các nhà lãnh đạo của một nhóm giáo dân cấp tiến, được gọi là Ủy ban Trung Tâm Công giáo Đức, và nhiều nhóm người trẻ khác và các văn phòng của Giáo hội để tiến hành cải cách và đổi mới. Các nhà tổ chức này đã vội vàng công bố một chương trình nghị sự bao gồm những chủ đề mang tính bất đồng độc hại tương tự như đã được cổ vũ trong nhiều thập kỷ bởi Cha Küng và những người khác.
Con đường Đồng nghị sẽ chọn các giáo huấn của Giáo hội theo số phiếu bầu của đa số, và các nhà lãnh đạo nào không chấp nhận thì được coi là “bước cản đàm thoại”. Và nhân danh "các tiêu chuẩn của một xã hội dân chủ", họ kết luận "rằng các đề nghị và quyết định được đa số thông qua cũng sẽ được tán thành bởi cả những người đã bỏ phiếu khác."
Tòa thánh đã cố gắng ngăn cản và thậm chí sửa đổi Con đường của Đồng nghị ngay từ đầu. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gởi một tông thư dài đến Giáo hội ở Đức vào tháng 6 năm 2019, cảnh báo rằng con đường này sẽ kết thúc bằng việc “nhân rộng và nuôi dưỡng những điều xấu mà nó muốn vượt qua”, đồng thời kêu gọi các giám mục tập trung vào việc truyền giáo. Đó là một lời kêu gọi hợp lý, vì dân số Công giáo ở Đức dự kiến sẽ giảm một nửa vào năm 2060. Chỉ riêng trong năm 2019, có tổng cộng 272.771 người Công giáo Đức chính thức rời bỏ Giáo hội.
Các văn phòng của Vatican kể từ đó đã cân nhắc, tuyên bố rằng các kế hoạch Đồng Nghị không “có giá trị về phía giáo hội” và toàn bộ tiến trình không thể ràng buộc về mặt pháp lý. Mới tháng trước, Bộ Giáo lý Đức tin, với sự chấp thuận của Đức Thánh Cha Phanxicô, đã nhắc lại lệnh cấm của Giáo hội đối với việc chúc lành cho các cặp đồng tính, việc này đã xảy ra ở một số giáo xứ Đức và chủ đề này chắc chắn sẽ được bầu phiếu bởi Con Đường Đồng nghị.
Đa số các giám mục Đức từ chối lắng nghe và từ bỏ hành trình vốn gây tai hại của họ về giáo lý. Trước tình trạng cố chấp này, lúc này Tòa Thánh phải có hành động mạnh mẽ và rõ ràng hơn, trước khi Con đường Đồng nghị tự áp đặt nó lên đức tin Công giáo, một đức tin mà các giám mục Đức đã được ủy thác cho và họ trình lên Đức Giáo Hoàng Phanxicô một tối hậu thư để thay đổi giáo huấn của Giáo hội mà họ đã biết là không thể thay đổi. Nó cũng phải được ngăn chặn trước khi sự lây nhiễm này lan ra các nơi khác trong Giáo hội.
Vào những năm 1970, Vatican đã khiển trách Cha Hans Küng và yêu cầu ngài đưa quan điểm riêng của mình sao cho hòa hợp với huấn quyền đích thực của Giáo hội. Cuối cùng, cha đã từ chối, cho dù bị chỉ trích. Cho đến cuối cùng, cha vẫn là một tiếng nói của sự bất đồng công khai.
Một trong những học trò cũ của Cha Küng, Hồng y Walter Kasper - không hẳn là một người bảo thủ - đã than thở với tờ báo L’Osservatore Romano của Vatican sau khi Küng qua đời rằng “ông ấy là người muốn thúc đẩy đổi mới Giáo hội và ý thức rõ rang về cuộc cải cách của ấy. … Tuy nhiên, theo nhận định của tôi, ông ấy đã đi quá xa - vượt ra khỏi sự chính thống của Công giáo - và do đó không còn gắn kết với một nền thần học dựa trên giáo lý của Giáo hội, nhưng đã ‘phát minh’ ra thần học của riêng ông ấy. ” Con đường Đồng nghị Đức là kẻ kế thừa chính danh di sản thần học độc hại đó.
Dưới chiêu bài cải cách, Con đường Đồng nghị đang trên con đường ly giáo, và những nguy hiểm là có thật đối với toàn thể Giáo hội. Giống như Martin Luther vào năm 1517, đóng đinh “95 luận đề” của mình trước cửa nhà thờ ở Wittenberg, các giám mục Đức và các thành viên giáo dân cấp tiến Công giáo có kế hoạch gửi chương trình của họ trên khắp thế giới để lây nhiễm các khu vực và giáo phận khác. Và họ có rất nhiều tiền để làm việc đó, nhờ vào Kirchensteuer quốc gia, hay hệ thống thuế nhà thờ, mang lại hàng tỷ tiền thuế cho các giáo phận Đức mỗi năm.
Những sự kiện tương tự đã xảy ra vào thế kỷ 16, dẫn đến cuộc nổi dậy của người Tin lành. Trong thời đó, Tòa Thánh đã chậm chạp trong phản ứng và giải quyết cuộc khủng hoảng của Luther và khai thác kịp thời phong trào cải cách và đổi mới đích thực để ngăn chặn thảm họa cho toàn thể Kitô hữu. Còn rất ít thời gian để hành động ngay bây giờ, nếu không những người Công giáo trong thế kỷ 21 có thể chứng kiến kết quả tương tự.
Chúng ta hãy cầu nguyện cho linh hồn của Cha Hans Küng, cho những người theo Con đường Đồng nghị và cho Giáo hội ở Đức, xin cho nó không ngã quỵ trước loại virus thần học mới nhất này.
Nguyện Chúa chúc lành.
Source: ncregister.com A Theological Virus Is Spreading