Thánh I-nhã khuyên: làm thế nào để đối phó với sự sợ hãi.
Giuse Thẩm Nguyễn
Sự khôn ngoan thánh thiện trong quá khứ giữ vai trò quan trọng để có sự bình an, mãn nguyện và một cảm nhận về mục đích của thời gian thử thách này.
Chúng ta đang sống trong thời đại khác lạ. Số người bị nhiễm Covid-19 tăng lên, giảm xuống và rồi lại tăng lên tùy theo nơi mình cư ngụ. Phòng tránh bệnh theo tiêu chuẩn y học hay không đã trở thành một vấn đề chính trị. Việc con cháu của chúng ta có trở lại trường vào học kỳ mùa thu này hay không cứ như chuyện trên mây. Công ăn việc làm đang thay đổi, mất việc và có việc mới phát sinh… Tóm lại tương lai bất định và con người với chính kiến theo các bên đối nghịch của chính trường đang sống trong khoảng không gian riêng ngày càng rất khác nhau về tinh thần và vật chất.
Tất cả chúng ta đều bị ứ đầy với những cảnh báo về “những kẻ thù” đe dọa lối sống của chúng ta, giá trị của chúng ta và cái thế giới mà chúng ta sẽ để lại cho con cháu. Quả thế, rất khó mà làm ngơ với những tin tức cảnh báo như thế hay để chú tâm vào điều gì khác và để không bị lôi cuốn vào vòng xoay của sự sợ hãi.
Làm thế nào để đối phó với thời gian bất ổn này? Bằng cách tái khám phá về Thánh I-nhã, thành Loyola, tác giả của phương pháp Linh Thao. Dựa vào những kinh nghiệm riêng của ngài trong việc đi tìm ý của Thiên Chúa trong cuộc đời mình, vị sáng lập Dòng Tên đã cho chúng ta những lời khuyên rất ngạc nhiên và có thể áp dụng cho chúng ta hôm nay, đã được được ngài viết ra cách đây hàng trăm năm. Từ những lời khuyên đó, chúng ta có thể học để tìm được sự thanh thản với tâm tưởng này: Mỗi người chúng ta đều có tự do chọn lựa cách chúng ta đối phó với những thử thách mỗi ngày, và ai cũng có thể chiến thắng.
Thứ nhất: Xin vâng với thực tế.
Không dễ dàng chút nào để có một thái độ thích hợp trong thời đại dịch này. Việc đầu tiên là chấp nhận một thực tế là chúng ta đang đi vào một “lối sống bình thường mới,” dù chúng ta cũng không biết chính xác là nó sẽ kéo dài bao lâu. Lời của Thánh I-nhã “Tìm ý Chúa trong mọi sự”, có nghĩa là đi tìm sự bình an nội tâm và rồi chấp nhận tình trạng “bình thường mới” này với tất cả những hậu quả của nó. Hãy bắt đầu bằng cách để tâm vào lời khuyên của các bác sĩ và các nhà khoa học, thay đổi một số hành xử trong cách sống để bảo vệ cho chính mình và những người khác.
Thứ hai: Chấp nhận nỗi sợ
Cảm thấy sợ hãi là chuyện bình thường khi phải đối diện với tình trạng hiện nay. Theo thánh I-nhã, việc quan trọng là đừng để mình bị nỗi sợ làm chủ. Nỗi sợ không phải là một người cố vấn tốt; nó mau chóng trở nên tê liệt và không bao giờ đưa đến những quyết định tốt. Việc chúng ta cần làm là nhận ra nỗi sợ, rồi vượt qua nó và hành động theo cách cẩn trong nhất. Nỗi sợ của chúng ta có thể chính đáng và có thể trở thành sự thật, nhưng nhớ là đời sống hằng ngày của chúng ta là chuỗi những trở ngài cần vượt qua. Cuộc sống không bao gồm việc tránh né sự nguy hiểm bằng mọi giá.
Thứ ba: Phân biện cùng với Thiên Chúa.
Chữ “crisis, tiếng Việt là khủng hoảng” có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp “krisis”, có nghĩa là cần biết chọn lựa. Dĩ nhiên, đời là chuỗi hoàn cảnh đòi hỏi chúng ta phải phân biện, thường là lúc đối diện với bất ổn. Tuy nhiên, theo thánh I-nhã, sự bất ổn không là một trở ngại. Ngược lại, nó là cơ hội để lắng nghe ý muốn của Thiên Chúa, ngay cả khi khi nó không phải là điều mà chúng ta thường chọn.
Đôi khi Thánh I-nhã dùng thành ngữ “agere contra” có nghĩa “đi ngược lại” hay làm ngược lại điều mà người ta sẽ làm theo cách tự nhiên. Phân biện có nghĩa là phân biệt, cân nhắc, nhận lời khuyên, tự cho mình thêm thời gian suy tư, kiên nhẫn và trên hết là tiếp tục kết hợp với Thiên Chúa để lắng nghe ngài.
Thứ bốn: Tập trung vào điều chúng ta có thể thực sự làm được.
Thánh I-nhã rất rõ ràng về điều này là: chỉ chú tâm vào những gì chúng ta có thể làm vào một thời điểm nào đó thôi. Thay vì tự giam mình trong nỗi lo lắng, chúng ta hãy nắm bắt cơ hội của cuộc khủng hoảng này để làm điều mà chúng ta được hướng dẫn trong cách tốt nhất có thể. Khủng hoảng là thời gian làm thức dậy tất cả khả năng tiềm ẩn nơi chúng ta và làm cho nó sinh hoa kết trái.
Để làm như vậy, Thánh I-nhã khuyên chúng ta hãy dành ít phút vào cuối ngày để nhớ lại những gì đã xảy ra trong 24 giờ vừa qua và nhận ra những điều tốt tích cực và sáng tạo mà mình đã thực hiện. Đây là cách tốt nhất để xây dựng một kho báu – kho báu những việc làm tốt của mình - và tiếp tục theo chiều hướng này.
Thứ Năm: Hãy đặt mình trước sự hiện diện của Thiên Chúa.
Cầu nguyện là kết hợp, gắn bó với Thiên Chúa, là một cuộc đối thoại tâm tình giữa hai người bạn, là đụng chạm đến ý nghĩa, cùng đích của đời ta. Theo Thánh I-nhã, bí quyết đó là biết tự đặt mình trước sự hiện diện của Thiên Chúa với chính con người thật của mình, với mọi lo lắng, mọi yếu đuối và mọi sợ hãi của mình…nghĩa là đầu hàng mọi sự, phó thác mọi sự cho Thiên Chúa định liệu.
Rất khó để buông bỏ và cầu xin giúp đỡ khi chủ nghĩa cá nhân và lối sống chỉ biết mình đang ngày càng trở thành chuẩn mực trong lối sống hiện đại. Tuy nhiên, thời gian bất ổn này, là cơ hội để hiếu rằng, chúng ta, tất cả mọi người, đều đang tìm kiếm một cộng đồng thật sự nơi ấy việc biết tự cho đi và biết chấp nhận, chào đón những người khác là điều cơ bản của cuộc sống.
Thứ Sáu: Tiến lên từng bước
Thánh I-nhã khuyên chúng ta hãy để mắt vào con đường mình đang đi, từng bước từng bước một, kiên quyết tiến lên. Trong lúc khủng hoảng, cái nguy cơ là rời mắt khỏi mục đích của đời sống mình, sao lãng những gì là quan trọng và chú ý vào nỗi sợ hãi, phân tâm và những trở ngại. Để thực sự tiến về phía trước, chúng ta phải luôn giữ cho cuộc sống được cân bằng và lưu tâm đến sự ổn định về thể lý cũng như tinh thần của chúng ta.
Nói một cách cụ thể là bảo đảm có thức ăn đủ dinh dưỡng, tập thể dục, thay thế những sinh hoạt, tránh nhàm chán, tiếp xúc với những người khác, nhất là đừng tự cô lập…Cứ coi sự bất ổn này như là dịp cho mình bắt đầu làm việc với những cách mới hơn, cách tốt hơn chăng?
Thứ Bẩy: Cải tiến những điểm yếu của mình.
Cuộc khủng hoảng hiện nay về sức khỏe và kinh tế gây nên sự sợ hãi, không làm chủ được mình, có thể dẫn đến hành vi hoảng loạn. Một nguyên tắc của Thánh I-nhã khi gặp tình huống này là cải tiến những điểm yếu của mình và chiến đấu chống lại chúng. Làm như thế sẽ tăng cường được tính tự tin và kiểm soát được những yếu điểm của mình. Có thể dùng những kỹ thuật tâm lý và dĩ nhiên lời cầu nguyện sẽ giúp rất nhiều qua ân sủng Chúa ban.
Thứ Tám: Tiếp tục nhìn ra ánh sáng.
Làm sao chúng ta có thể để mình được ánh sáng soi đường khi chúng ta bị áp lực bởi những ý nghĩ tiêu cực? Thánh I-nhã khuyên chúng ta hãy nhớ năng động của Thánh Giá. Chính trong giờ phút đen tối và như bị bỏ rơi thì Thiên Chúa sẽ can thiệp một cách mãnh liệt nhất. Ánh sáng và niềm vui Phục Sinh luôn đi theo bóng tối và sự khổ nạn của Thập Giá. Bằng cách này, khủng hoảng mở ra những cơ hội mới để chúng ta biết chú tâm vào những người khác, để biểu lộ hơn tình đoàn kết và gắn bó hơn với những người lân cận, nhất là những người già cả hay những người dễ bị tổn thương hay có nhiều giờ hơn cho gia đình mình.
Source: aleteia.org How can I deal with fear? Advice from St. Ignatius of Loyola