Ưu tiên của việc cầu nguyện theo gương Chúa Giêsu.

Nguyên tác: Joe Difato, nhà sáng lập nguyện san The Word Among Us

Lược dịch: Giuse Thẩm Nguyễn

Bạn nghĩ Chúa Giêsu sẽ nói gì nếu trong một buổi mạn đàm, người ta hỏi Chúa Giêsu ưu tiên của đời ngài là gì? Có thể ngài sẽ trả lời, "Yêu thương mọi người", "Đến với những người nghèo khổ và bị bỏ rơi", hoặc "Loan báo Tin Mừng Nước Trời." Tất cả đều là những câu trả lời hay. Nhưng nếu ngài được hỏi về ưu tiên số một, quan trọng nhất của ngài là gì? Có thể ngài sẽ nói là "Nối kết với Thiên Chúa Cha."

Kinh Thánh nhiều lần cho thấy Chúa Giêsu coi việc cầu nguyện là trung tâm của đời ngài. Phúc Âm Thánh Máccô kể rằng, “Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó” (1:35). Thánh Luca kể là sau khi Chúa Giêsu chữa lành một người bị bệnh phong, “Tiếng đồn về Ngài ngày càng lan rộng; đám đông lũ lượt tuôn đến để nghe Ngài và để được chữa bệnh. Nhưng Ngài lui vào nơi hoang vắng mà cầu nguyện.” (5: 15-16). Chúa Giêsu cầu nguyện trước khi chịu phép rửa, trước khi ngài biến hình, và ngay cả trước khi bị bắt và đóng đinh (Luca 3: 21-22; 9: 28-29; Matthew 26: 36-45).

Tất cả những câu chuyện này cho thấy một nguyên tắc đặt nền tảng cho toàn bộ cuộc đời của Chúa Giêsu: ngài ưu tiên cầu nguyện hơn là hành động. Ngài không làm điều gì đó trước, rồi sau mới cầu nguyện xem đó có phải là ý tưởng tốt không. Không phải thế, ngài tìm ý Thiên Chúa và sau đó làm theo ý của Thiên Chúa Cha. Thậm chí ngài còn dâng lên những việc làm tốt đẹp, cao cả và kỳ diệu như chữa lành người bệnh và trừ quỷ lên Thiên Chúa trước khi thực hiện.

Duy trì sự nối kết với Thiên Chúa. Việc đầu tiên tôi làm mỗi sáng thức dậy là gì? Có phải tôi là một trong số 80 phần trăm những người ngủ dậy là liền xem điện thoại hoặc máy tính trước khi làm bất cứ việc gì khác — thậm chí trước khi xuống giường không? Tôi có tìm cách để kết nối lại với thế giới bên ngoài ngay vào lúc thức dậy mỗi buổi sáng không? Có thể như là nghe tin tức trên TV hay đọc báo buổi sáng. Thế rồi, sau đó vội vàng bắt đầu một ngày mới, sẵn sàng cho bất cứ điều gì đang chờ mình không?

Đây là một mẫu chung của chúng ta, nhưng rõ ràng là Chúa Giêsu đã không làm như vậy. Thay vì kết nối với thế giới xung quanh, Chúa Giêsu đã cố tình “tự tách” mình ra khỏi nó để có thể nối kết với Chúa Cha.

Nhiều người luôn thích hoạt động. Trong một thế giới thông tin liên tục và không ngừng nghỉ, thì đó là như vậy. Chúng ta đua nhau vào những kế hoạch, tám tiếng một ngày dường như vẫn chưa đủ, rồi làm cả cuối tuần với bao nhiều công việc, dự tính khác. Chúng ta được giáo dục để tận hưởng cái cảm giác thành công có được khi thành công. Chúng ta được khuyến khích tiếp tục đẩy xa giới hạn của mình. Tất nhiên, luôn năng động và phát triển các kỹ năng của mình là những điều tốt. Chúa Giêsu có lẽ đã vui mừng sau một ngày chữa lành bệnh nhân. Ngài có lẽ cũng vui thích khi thấy các môn đệ từng hai người ra đi loan báo Tin Mừng. Chắc chắn ngài đã mỉm cười khi người ta ăn năn và trở lại với Chúa. Nhưng tất cả những điều này đều bắt nguồn từ sự nối kết với Thiên Chúa Cha - một sự nối kết mà ngài trân quý hơn bất cứ những gì khác.

"Tôi không thể tự ý mình làm gì." Vậy Chúa Giêsu đã quyết định ra sao? Làm thế nào ngài quyết định tập trung làm gì và ở đâu? Ngài đã nói rằng, “Tôi không thể tự ý mình làm gì. Tôi xét xử theo như tôi được nghe, và phán quyết của tôi thật công minh, vì tôi không tìm cách làm theo ý riêng tôi, nhưng theo ý Đấng đã sai tôi.” (John 5:30) .Chúa Giêsu đoan chắc rằng ngài hoàn toàn nối kết với Cha để mọi quyết định của ngài luôn phản ánh ý định của Thiên Chúa Cha.

Đối với Chúa Giêsu, “được nối kết” có ý nghĩa hơn nhiều những gì thông thường chúng ta hiểu. Đối với chúng ta, được nối kết có nghĩa là ở trong một mối quan hệ mật thiết, yêu thương, như vợ chồng hoặc những người bạn thân. Có nghĩa là họ biết nhau rất rõ và mở lòng để lắng nghe nhau. Điều đó có nghĩa là họ đã biết cách cho và nhận trong một mối quan hệ lành mạnh, cẩn trọng và tương kính nhau.

Đối với Chúa Giêsu, được nối kết có nghĩa là tất cả như thế và còn hơn thế nữa. Được nối kết cũng có nghĩa là hoàn toàn lệ thuộc và khiêm nhường phục tùng Thiên Chúa Cha. Chúa Giêsu đã không cho phép những việc làm rất tốt lành hàng ngày của ngài — thậm chí cả những phép lạ — trở nên quan trọng hơn sự nối kết của ngài với Thiên Chúa.

Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa. Nếu ta tìm một câu Kinh thánh mô tả được tất cả những gì Chúa Giêsu đã nói và đã làm, thì đó chỉ có thể là câu “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa” (Matthew 6:33). Bởi vì ngài có sự nối kết hoàn hảo với Chúa Cha, mọi điều Chúa Giêsu nói và làm đều bắt nguồn từ sự nối kết đó. Ngài chỉ làm theo ý Chúa Cha và chỉ làm theo cách mà Chúa Cha muốn.

Ngoài việc diễn tả sự khiêm nhường của Chúa Giêsu trước mặt Chúa Cha, câu này còn đưa ra một thách thức đối với tất cả chúng ta. Như Thánh Phaolô đã viết, “Thậy vậy, tôi làm gì tôi cũng chẳng biết: Vì điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm.” (Rô-ma 7:15). Cuối cùng, chúng ta đặt thứ gì khác đó chứ không phải là nước Thiên Chúa làm ưu tiên của đời sống mình, và như thế dẫn đến bao nhiêu rắc rối hệ luỵ khác.

Trong khi thánh Phao-lô nói về khía cạnh của tội lỗi, chúng ta cũng có thể áp dụng nguyên tắc này để ưu tiên tìm kiếm nước Thiên Chúa trong các sinh hoạt hàng ngày. Thánh Phao-lô biết rất rõ cám dỗ dẫn ngài đến chỗ làm việc chỉ vì ý riêng, nhưng qua đó ngài biết được giá trị ưu tiên dành cho Nước Trời, Thánh ý Thiên Chúa, sự hướng dẫn cũng như mục đích của Chúa… phải nằm trên cái “vương quốc” do ý riêng của ngài tạo ra. Và chúng ta cũng có thể làm như thế.

Quả vậy, khi tôi đi và làm điều gì đó — thậm chí là điều tốt — mà việc ấy ưu tiên hơn sự nối kết của tôi với Chúa Giêsu, thì mọi thứ không xuông sẻ. Tôi sẽ chỉ biết có công việc, có khi quên bữa trưa hay vội vã trở lại với công việc ngay sau bữa ăn tối đến nỗi không có thời gian với gia đình, bạn bè. Tóm tại, đời tôi mất sự cân bằng và nó ảnh hưởng đến mối liên hệ của tôi và những người tôi yêu mến.

Không phải là tôi đã làm điều gì xấu xa vào những ngày như trên; nhưng thời gian trôi qua thật vô nghĩa khi tôi không tìm kiếm nước Chúa hay thánh ý của ngài trong ngày hôm ấy. Tôi biết Chúa vẫn ở trong trái tim tôi, cũng như gia đình tôi luôn ở trong trái tim tôi. Nhưng tôi không dừng lại để ở bên ngài hay ở bên gia đình thì tôi thấy tâm hồn không được bình an và rất dễ cau có bởi những thăng trầm trong ngày ấy.

Chiếc thang của Gia-cóp và tôi: Đây là một số điểm tôi cố gắng vượt qua bất cứ khi nào tôi có cơ hội chia sẻ đức tin của mình. Tôi khuyến khích mọi người cầu nguyện mỗi ngày. Ân sủng tuôn chảy dạt dào hơn nhiều khi chúng ta cầu nguyện — chủ yếu là vì lời cầu nguyện mở ra cho chúng ta khả năng nhận được ân sủng của Thiên Chúa, một Thiên Chúa luôn rộng lượng ban ơn.

Nhớ lại câu chuyện chiếc thang của Gia-cóp trong Kinh Thánh (Sáng thế ký 28: 10-19). Này là chiếc thang nơi các thiên thần đang đi lên xuống trên các bậc thang, đi từ thiên đàng đến với chúng ta và trở lại. Cũng vậy, những lời cầu nguyện thiết tha dâng lên Thiên Chúa sẽ được đáp lại bằng ân sủng dồi dào đổ xuống trên chúng ta. Và ân sủng đó thay đổi chúng ta. Nó ảnh hưởng đến các hoạt động của chúng ta, vừa giúp chúng ta chọn hoạt động nào để theo đuổi, vừa giúp chúng ta giữ lòng mình với Chúa khi chúng ta làm việc. Nó thậm chí còn bảo vệ chúng ta khi có những xung đột và mọi thứ không theo ý mình.

Tôi thực sự tin rằng nếu có sự gia tăng cả về số lượng và chất lượng của lời cầu nguyện, chúng ta có thể sẽ thấy nhiều ơn lành hơn, nhiều phép lạ hơn và nhiều sự hoán cải hơn. Chúng ta sẽ thấy mình ngày càng gần Chúa Giêsu hơn. Khi chúng ta đến gần Chúa Giêsu hơn trong buổi cầu nguyện sáng, ân sủng của Ngài sẽ thấm nhập vào các hoạt động trong ngày của chúng ta — cả những việc tốt và chưa tốt — với sự bình an hơn.

Nếu mọi người ngay bây giờ có thể cam kết dành thời gian riêng biệt để nối kết với Chúa Giêsu mỗi ngày, thì Chúa sẽ tuôn đổ vô vàn ơn thiêng cho thế giới này. Chúng ta còn chần chờ gì nữa, hãy cố gắng dành thời gian cho Chúa, giây phút nối kết với Chúa phải là ưu tiên hàng đầu chứ không phải việc làm. Đó là cách Chúa Giêsu đã sống — và ngài đã hoàn tất thánh ý Chúa Cha.


Source: wau.org The Priority of Prayer

Trở về "Chia Sẻ"