BẢN TÓM LƯỢC SINH HOẠT TRƯỜNG LÃNH ĐẠO ONLINE
7:00PM Chúa Nhật 14/02/2021
7:00PM Chúa Nhật 14/02/2021
Kính gởi quý cha Linh Hướng, quý tu sĩ và quý anh chị,
Buổi sinh hoạt TLĐ hôm nay có sự tham dự của khoảng 30 anh chị em.
Buổi sinh hoạt với đề tài "Chia sẻ trong hội nhóm"
Kính thưa quý anh chị,
Hôm nay Trường Lãnh Đạo trình bày về khía cạnh Chia Sẻ Trong Hội Nhóm.
1/Lời mở đầu:
Có nhiều vấn đề quanh việc hội nhóm mà chúng ta cần quan tâm tới như: số người trong nhóm, lứa tuổi, cùng địa phương, xây dựng tình bạn, thời gian hội nhóm, chương trình hội nhóm, chu kỳ hội nhóm… Tuy nhiên hôm nay xin mọi người chúng ta cùng nhau chỉ đi vào khía cạnh chia sẻ nhóm mà thôi.
Có người sẽ tự hỏi là làm sao mà chia sẻ đây khi mà không có tình thân, khi mà chưa có một bầu khí thân mật để mở lòng ra. Xin thưa, tình thân là một yếu tố rất quan trọng trong hội nhóm, nhưng chúng ta sẽ bàn đề tài này vào một buổi sinh hoạt khác.
Có người cũng suy nghĩ là chúng ta đã có hướng dẫn của PT, có sách hội nhóm, có trợ tá ngồi bàn để hướng dẫn thì cần gì phải bàn làm gì nữa. Xin thưa chúng ta có tất cả những thứ đó, nhưng thực tế hội nhóm đã không lôi kéo được nhiều người và có nhiều nhóm sau vài lần họp bị tan rã cho nên chúng ta mới tìm cách thăng tiến nhóm về khía cạnh chia sẻ trong hội nhóm. Chúng ta sẽ không bàn về nguyên nhân của sự thất bại này, (dĩ nhiên có rất nhiều nguyên nhân chủ quan và khác quan) nhưng chúng ta tìm cách từng bước cải tiến. Hy vọng với cố gắng nhỏ nhoi của chúng ta, Chúa sẽ làm cho mọi việc thành tốt đẹp theo ý của ngài.)
Vì chia sẻ trong hội nhóm là một khâu rất quan trọng trong hội nhóm, cùng với những việc khác, nhưng chúng ta không thể có một giải pháp cho mọi vấn đề, cho nên hôm nay chúng ta chỉ bàn về một đề tài “Chia Sẻ Trong Hội Nhóm” và những đề tài khác xin được lần lượt bàn thảo sau.
Cũng xin thưa với quý anh chị là phần trình bày của chúng tôi hôm nay chỉ phản ảnh suy tư của một cá nhân, dựa trên nền tảng tài liệu của PT mà chúng tôi đã lãnh hội được, chứ không phải là quy định việc bắt buộc. Có thể một số anh chị đồng ý với suy nghĩ này, nhưng cũng có người không. Sau phần trình bày này, anh chị có phần hội thảo để mọi người trình bày suy tư của mình, cũng như góp ý thêm cho đề tài này.
Cũng nhắc lại là PT Cursillo tôn trọng sự tự do chọn lựa của mỗi cá nhân, không có gì là bắt buộc, hơn nữa đời sống tâm linh của mỗi người rất khác nhau và Chúa Thánh thần tác động trên mỗi người tùy theo ý của Người.
PT của chúng ta gồm nhiều thành phần đa dạng, già trẻ lớn bé, giàu nghèo, trí thức và bình dân…có đủ mọi thành phần. Những cảm nghiệm gắn bó với Chúa cũng rất khác, tùy theo những trải nghiệm trong đời, tùy theo lứa tuổi, tùy theo hoàn cảnh. Suy nghĩ và hoàn cảnh của tôi hiện nay, một người già đang nghỉ hưu, dĩ nhiên sẽ không phải là suy nghĩ, là hoàn cảnh của một người trẻ đang đa đoan với công việc và một gánh nặng gia đình phải lo toan. Nhận định như thế để khẳng định là mọi đề nghị đều mang tính tương đối và mỗi người sẽ tùy theo hoàn cảnh mà áp dụng.
Chia sẻ của một nhóm người già không thể làm khuôn mẫu cho nhóm người trẻ. Những người gần đất xa trời nhìn về cuộc đời khác với người trẻ với bao hy vọng tràn đầy sức sống. Cảm nghiệm và diễn đạt về một Thiên Chúa của người già rất khác với người trẻ. Tuy nhiên, dù đứng ở góc độ nào, thì mọi người đều có một điểm rất chung đó là Thiên Chúa Yêu Thương con người và vấn đề đặt ra cho mỗi người là tôi đã cảm nghiệm tình yêu ấy như thế nào, đã loan truyền tình thương yêu ấy ra sao?
Như mọi người đều biết, hội nhóm là một phương pháp đặc thù độc đáo của PT Cursillo, nhằm giúp chúng ta tiếp tục hoán cải, thăng tiến để có một đời sống Kito hữu đích thực, để mỗi ngày yêu Chúa nhiều hơn và dĩ nhiên yêu anh chị em mình trong Chúa Kitô nhiều hơn.
Chia sẻ trong hội nhóm là linh hồn của buổi hội nhóm và giúp cho mọi người hiểu nhau hơn, thân thiết gắn bó với nhau hơn và “một tay nắm Chúa, một tay nắm anh chị em” trên con đường hoán cải của ngày thứ Tư.
2/Cầu nguyện là yếu tố rất quan trong để chuẩn bị chia sẻ trong hội nhóm.
Việc đầu tiên để chuẩn bị cho việc chia sẻ trong hội nhóm là cầu nguyện, làm sao biến việc cầu nguyện thành thói quen mỗi ngày, bắt đầu từ 5 phút rồi 10 phút để cùng Chúa nhìn lại một ngày sống của mình. Cầu nguyện trên giường bệnh, cầu nguyện lúc đi làm, cầu nguyện khi rảnh rỗi, cầu nguyện khi vui, khi buồn, cầu nguyện để biết giới hạn của mình trong việc mưu cầu hạnh phúc, để biết mình bất lực trước tương lại bất định của dịch bệnh, của một xã hội đầy dẫy những thù hận chia rẽ như hôm nay. Cầu nguyện để biết cậy dựa vào Chúa, để khẳng định tất cả ý nghĩ, lời nói và việc làm của mình đều cùng Chúa, với Chúa và trong Chúa. Cầu nguyện để biến những việc tôi làm mỗi ngày thành việc của Chúa.
Cầu nguyện giúp chúng ta nối kết với Chúa và yêu Chúa nhiều hơn. Cầu nguyện không chỉ là đọc kinh, tham dự thánh lễ, nhưng cầu nguyện còn là dành giờ riêng tư tâm sự với Chúa, nghĩ về Chúa và mời Chúa cùng đồng hành với mình mỗi ngày trong cuộc sống. Cầu nguyện trong nối kết với Chúa thì người lớn tuổi hay trẻ tuổi đều làm được và là điều kiện tối thiểu có chất liệu để chia sẻ.
Tôi có nhận ra hôm nay trời nắng đẹp không? Đó là điều tự nhiên có gì để nói, nhưng nếu tôi cầu nguyện tôi sẽ tạ ơn Chúa vì một ngày đẹp như thế. Cũng vậy, nếu cầu nguyện tôi sẽ cảm tạ Chúa khi nhận được tin vui từ đứa con đi học xa, khi một người bạn tới thăm, khi giúp người già qua đường, khi giao tiếp với khách hàng, khi nhận được lời an ủi. Nghĩa là khi cầu nguyện, tôi nhận ra những hồng ân Chúa đã và đang ban cho tôi để cảm tạ Ngài, để mang đến chia sẻ với nhóm.
Cầu nguyện để tôi biết mình đang ở đâu trong hành trình đức tin, để nhận ra những thiếu xót cần phải cải tiến. Nghĩa là nhận ra những bất toàn nơi mình để nhờ Chúa giúp, để cố gắng hơn và để chia sẻ trong nhóm.
Cầu nguyện để nối kết với Chúa và để tìm chất liệu cho việc chia sẻ trong nhóm.
Không cầu nguyện thì mọi tư tưởng, lời nói và việc làm đều quy về cá nhân, chứ không quy về Chúa, không làm cho chúng ta yêu Chúa nhiều hơn được.
3/Mục đích của chia sẻ nhóm.
Chia sẻ là nói về mình, để cảm tạ Chúa về những ơn ban và để thú nhận những thiếu xót, những khó khăn mà mình cần cố gắng vượt qua. Muốn thăng tiến trên đường hoán cải, thì việc đầu tiên là phải biết mình. Chia sẻ trong nhóm là cơ hội để tôi biết mình và học hỏi những kinh nghiệm của người khác.
Khi nghe người khác chia sẻ, tôi rút ra được những kinh nghiệm riêng để giúp tôi sống ngày thứ tư, là một kitô hữu đích thực, là một Cursillista nhiệt thành và là một người loan báo tin mừng.
Vì thế tất cả mọi chia sẻ phải bắt nguồn từ Chúa và quy hướng về Chúa. Tôi học đạo cũng vì Chúa và tôi làm việc này việc kia cũng vì Chúa. Mục đích là vậy nhưng cách thực hiện thì có thể khác nhau.
Như thế buổi chia sẻ là cơ hội được nói về sự nối kết của mình với Chúa, được nghe về Chúa và được nhìn thấy Chúa qua anh chị em mình.
Còn gì hấp dẫn hơn được nghe những lời tâm tình của người thật, việc thật, những hạnh phúc đang có hay những cố gắng phấn đấu vì hạnh phúc của người anh em trong sự hiện diện thân mật với Chúa và với anh chị em mình.
4/Chia sẻ cái gì?
Chia sẻ không phải là sáng tác ra những câu chuyện, nhưng là qua cầu nguyện để biết “có tai để nghe, có mắt để thấy” những điều xảy ra trước mắt mà ca ngợi tôn vinh Thiên Chúa.
Sẽ có người nói là không có gì để chia sẻ. Đúng vậy, mỗi ngày trôi qua đều giống nhau, sáng đi làm, chiều về nhà, và Chính Chúa cũng đã nói rằng: “Các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy”. (Mt 13:14).
Chỉ khi cầu nguyện, tôi mới “tai nghe và mắt thấy” được. Làm sao tôi thấy hình ảnh người homeless là hình ảnh của Thiên Chúa, làm sao tôi nhận ra Chúa đến thăm tôi qua người bạn, làm sao biết lấy lời an ủi kẻ ốm đau, làm sao nhận ra bông hoa đẹp là công trình tạo dựng của Chúa, nếu tôi không nối kết với Chúa qua cầu nguyện.
Cho nên nếu có sự chuẩn bị qua cầu nguyện thì ai cũng có cái gì đó của riêng mình để chia sẻ. Chỉ cần để ý quan sát những gì tai nghe mắt thấy từ chính những việc xảy ra hằng ngày liên quan đến bản thân mình là có thể chia sẻ được.
Chia sẻ là kể ra những việc đã làm được trong sự kết hợp với Chúa, để nhờ Người, với Người và trong Người. Nghĩa là kể ra động lực nào thúc đẩy mình làm công việc ấy hơn là thành quả của công việc. Đừng nghĩ kể ra như vậy là khoe khoang nhưng là ca ngợi Thiên Chúa.
Không chỉ kể ra những thành công, nhưng cả những thất bại, những cám dỗ, những cố gắng phấn đấu của mình.
Con người và mọi tạo vật luôn thay đổi, chỉ có Thiên Chúa mới không thay đổi, cho nên nếu tôi không phấn đấu để tốt hơn, nghĩa là yêu Chúa hơn, thì tôi sẽ trở về tình trạng xấu ban đầu. Cho nên đừng sợ anh chị em nhìn mình cách khác với mặc cảm tội lỗi do bị vất ngã. Điều quan trọng là biết đứng lên, tiếp tục hành trình hoán cải. Tôi là Kitô hữu chứ tôi không làm Kitô hữu, vì thế hôm nay tôi là người tốt, ngày mai có thể là người không tốt, tình trạng đó của tôi được tính từng ngày.
Tuy nhiên, không nên chia sẻ những vấn đề riêng tư quá nhạy cảm vì có thể không giúp được gì cho nhóm, mà người chia sẻ sẽ mang mặc cảm sau này. Mục đích của chia sẻ nhóm là giúp nhau thăng tiến trong Chúa chứ không giải quyết những khó khăn. Vì thế tốt hơn là tâm sự riêng với một người trong nhóm mà mình tin tưởng nhất hay với cha Linh Hướng để giới thiệu với các nhà chuyên môn về những vấn đề cá nhân riêng biệt.
Nói tóm lại, Chia sẻ là nói lên những thăng trầm thực sự của đời sống đạo hằng ngày của mình, dựa trên chiếc kiềng 3 chân là sùng đạo, học đạo và hành đạo. Nói như thế không có nghĩa là chúng ta cứ phải rạch ròi chia ra ba khía cạnh, nhưng thực ra nó quyện vào nhau, vì có sùng đạo mới học đạo, có học đạo mới thêm sùng đạo, và có sùng đạo mới hành đạo. Chia sẻ tùy theo hoàn cảnh của từng người.
Nên nhớ một điều là buổi chia sẻ nói về mình, không phải là thảo luận về một đề tài nóng bỏng như phá thai, trợ tử, thời sự, cũng không phải là giờ tìm hiểu về Kinh Thánh hay bàn về bất cứ một đề tài nào khác.
5/Chia sẻ như thế nào?
Khi chia sẻ thì nhân vật chính là tôi, tôi chứ không phải chúng ta. Bởi vì chia sẻ về mình, nói về những biến chuyển trong tâm hồn mình, những việc thực tế mà chính mình làm, hay chính mình mắt thấy, tai nghe chứ không phải nói về một điều chung chung mà ai cũng biết.
Bầu khí trong buổi chia sẻ nên giữ trang nghiêm bởi vì có Chúa cùng hiện diện, nhưng cũng không ngột ngạt, căng thẳng vì đây là một cuộc tâm tình, cuộc tâm tình thân mật với anh chị em và với Chúa.
Vì thế người chia sẻ cần chia sẻ với tâm tình khiêm nhường, chân thành, tránh những lời mang tính truyền giảng, phô trương sự hiểu biết của mình hay dễ làm mất lòng anh chị em. Giọng nói phải vừa phải, không nên gay gắt như một cuộc tranh luận. Nên từ tốn để người nghe bắt kịp lời tâm sự của mình. Nếu cần nghỉ một chút để đào sâu hơn thì cứ tự nhiên.
Có một câu hỏi rất thú vị mà chính tôi được nghe như thế này:Tôi đã làm tất cả những gì trong “phiếu cam kết” mà tôi dâng lên Thày Chí Thánh trong khóa 3 ngày. Chẳng lẽ mỗi lần chia sẻ, tôi lại lập đi lập lại những gì trong phiếu cam kết mà tôi đã và đang làm?
Xin thưa:Chia sẻ không chỉ là kể ra những việc bác ái, tông đồ hay việc nguyện ngẫm mà tôi đã và đang thực hiện. Nhưng quan trọng hơn là nói đến những yếu tố, động lực nào đã thúc đẩy tôi làm những công việc đó. Và trong quá trình thực hiện những công việc đó, tôi đã học hỏi được những gì qua cách đối xử của tôi với những người mà tôi tiếp xúc. Những công việc tôi làm có giúp tôi gắn bó với Chúa hơn và gần gũi với anh chị em hơn không?
Có một chị chia sẻ như thế này: Chị đã ở trong ban phụng vụ của giáo xứ rất lâu. Mỗi thánh lễ Chúa Nhật, chị thường được cắt cử để mang giỏ xin tiền, hay cho rước Máu Chúa hoặc cho rước Mình Thánh Chúa.
Trước đây, khi được cắt cử cho rước Mình Thánh Chúa thì chị rất vui vì chị nghĩ rằng đây là việc quan trọng nhất trong những công việc của ban phụng vụ và chị đã kém vui khi phải mang giỏ xin tiền vài tuần lễ liền.
Nhưng sau khi ý thức động lực nào thúc đẩy chị tình nguyện làm việc và cố gắng để trở thành Kitô hữu đích thực thì chị đã nhận ra rằng những công việc chị làm trong Ban Phụng Vụ cần phải quy hướng về Chúa, cho Chúa và do tình yêu Thiên Chúa thúc đẩy chứ không phải cho chị và vì chị. Nhờ nhận ra điều này nên bây giờ, dù được cắt cử làm bất cứ công việc gì, chị cũng rất vui.
Có ít người không muốn chia sẻ vì sợ bị hiểu lầm là khoe khoang.
Xin thưa nếu người chia sẻ chỉ nói đến những công việc mình đã làm với niềm tự mãn, hay kể công, thì có thể bị hiểu lầm là khoe khoang, nhưng nếu những công việc mình làm đó là do tình yêu Thiên Chúa thúc đẩy và ý thức mình chỉ là dụng cụ trong tay Chúa thôi thì phần chia sẻ đó là để ca tụng Chúa chứ không phải là khoe khoang.
Kinh nghiệm cho thấy là qua những chia sẻ chân thành, lấy Chúa là tâm điểm của mọi sự,nhiều anh chị em đã lấy lại được can đảm để thay đổi, để tiếp tục hoán cải tốt hơn.
Đối với người nghe thì nên nghe với tinh thần bác ái, tôn trọng và cảm thông. Đừng làm việc gì khác, hãy nhìn vào người chia sẻ hay có thể ghi chú. Nghe với sự cảm thông và với tinh thần cầu nguyện vì Chúa cũng đang lắng nghe bạn mình.
Thời gian chia sẻ cho mỗi người khoảng từ 3-5 phút. Không nên dài dòng quá, vì thế cần phải có sự chuẩn bị. Cũng nên quan sát, nếu thấy người nghe có những biểu hiện uể ải là biết là mình đã quá dài, nên tìm cách kết thức sớm.
Đến với buổi chia sẻ trong hội nhóm để chia sẻ phần mình và rồi để lắng nghe, để cảm thông, để cầu nguyện vì thế không nên góp ý, phê bình hay đề nghị giải pháp cho một vấn nạn. Nghe để có thể áp dụng cho việc sống đạo của riêng cá nhân mình. Nếu muốn góp ý thì nên gặp gỡ riêng sau.
Chia sẻ trong hội nhóm khác với chia sẻ chứng nhân trong Ultreya, vì chia sẻ trong Ultreya khuyến khích echo (vang vọng), nghĩa là khi nghe người ta chia sẻ thì mình cũng nghĩ đến trường hợp tương tự của mình mà chia sẻ thêm vào.
Chia sẻ: Trong một buổi họp nhóm, có một anh chia sẻ là anh đã về hưu. Anh ước ao được tham dự thánh lễ mỗi ngày nhưng hình như có cái gì đó kéo anh lại. Anh luôn luôn có những lý do để không đi dự lễ. Nghe anh chia sẻ như vậy, tôi âm thầm cầu nguyện cho anh và hôm sau tôi gọi điện thoại tình nguyện đến đón anh đi lễ. Mặc dù anh từ chối lời đề nghị của tôi, nhưng anh đã có thêm sức mạnh để đến với Chúa qua thánh lễ và tình bạn của chúng tôi cũng được gắn bó thêm.
(Tại sao không đưa ra giải pháp ngay, vì có thể do nổi sung bất ngờ, hứa giúp nhưng chẳng làm, hay có những trở ngại không thực hiện được, là mất uy tín)
Một người chia sẻ là vợ chồng có bất đồng, đang trong quá trình làm hòa… thì người nghe xin đừng đưa ra lời khuyên hay giải pháp nào vì chúng ta không phải là chuyên gia tâm lý về gia đình. Trước hết là cầu nguyện và sau đó tìm cách liên lạc nếu bạn là chuyên gia về gia đình, còn không thì xin đừng nhảy vào cái lãnh vực mà mình không biết cách giải quyết. Hãy cầu nguyện thật nhiều để Chúa và thời gian hàn gắn cho họ.
Chia sẻ cần cụ thể việc gì, làm sao, khi nào, ở đâu và cách giải quyết, thành công hay thất bại…
Thí dụ một người chia sẻ là mình rất nóng tính, đã cố sửa nhưng lâu lâu vẫn tái phạm. Chỉ như vậy thì chung chung quá.
Chia sẻ: Tôi thú nhận là người rất nóng tính, chính vì vậy mà bao lần gia đình xào xáo, bên bờ đổ vỡ. Tính nóng của tôi làm tê liệt mọi đối thoại giữa tôi và vợ con, thành thử không khí gia đình lúc nào cũng ngột ngạt. Mới tuần rồi tôi lại nóng tính với một nguyên nhân chỉ vì câu lỡ lời của vợ tôi.
Bình tâm lại, tôi thấy gia đình tôi không thể sống mãi trong tình trạng ngột ngạt như vậy mãi. Để sửa đổi cái tính nóng, tôi đã dành thời gian nhìn lại mình. Tính nóng của tôi càng lúc càng xảy ra thường xuyên hơn và dường như tôi không kiềm chế nó được. Nhưng tại sao lúc ông xếp của tôi nặng lời với tôi, tôi vẫn nhịn được, sao tôi không nổi nóng lúc ấy. Có lẽ vì cái paycheck hàng tháng. Sao tôi không kiềm chế cái nóng vì hạnh phúc của gia đình tôi. Có thể tôi coi thường vợ con tôi, coi thường cái hạnh phúc gia đình mà tôi đang có?
Khi có những giây phút thinh lặng như thế thì tôi mới khám phá ra là Chúa vẫn luôn bên tôi, tôi mới thấy là mình đã có mọi thứ mà bao người không có, thế mà tôi đã không biết giữ, luôn muốn đạp đổ vì tính nóng nảy của tôi.
Tôi bắt đầu những giờ nối kết với Chúa và tôi đã tìm lại bình an. Tôi quyết tâm sẽ không lập lại lối cư xử thô lỗ như thế đối với gia đình, cũng như mọi người. Tôi đã lần đầu tiên xin lỗi vợ con và xin lỗi Chúa. Tôi biết trân quý những bữa cơm gia đình do tài nấu nướng của vợ. Tôi tự hứa là sẽ cố gắng bình tĩnh đè nén cơn giận của mình bằng cách nói lảng sang chuyện khác. Hôm nay tôi đi hội nhóm, vợ tôi đã vui vẻ trở lại và còn chúc tôi một buổi hội nhóm với nhiều ơn ích thiêng liêng.
6/Chia sẻ về Sùng đạo:
Là nói về mối tương quan của mình với Chúa. Không có một khuôn mẫu nào cho việc chia sẻ này, nhưng trước hết cần phải có những giây phút thân mật riêng tư, im lặng để một mình với Chúa, rồi xét lại xem trong đời sống của tôi có lúc nào bóng dáng của Chúa hiện diện rõ nhất. Có thể qua một biến cố buồn hay vui, hay thời gian nào trong ngày.
Khi dành những giây phút riêng tư giữa mình với Chúa, tôi có dịp nhìn lại mình, nhớ lại những biến cố lớn nhỏ xảy ra trong thời gian vừa qua. Chúa đã ảnh hưởng thế nào trong những quyết định của tôi? Chia sẻ những giây phúc cảm nhận có Chúa cùng đồng hành.
Chia sẻ: Tôi đã có những lúc cảm thấy mình thật hạnh phúc với nắng ấm ban mai, bên tách cà phê quen thuộc, ngồi ngắm những con cá tung tăng dưới hồ hay những bông hoa dại nho li ti đang khoe sắc. Tôi đã phải thốt lên “ Tạ ơn Chúa, Chúa đã sinh ra con trên thế gian này, cho con làm người, cho con trở thành con của Chúa, được sống trong một đất nước văn minh nhất thế giới này, và giờ đây, Chúa lại đặt con trong một khung cảnh nên thơ như sáng nay..” Chỉ khi được trang bị ý niệm Thiên Chúa là đấng Sáng tạo, tôi mới có những giây phút cảm nghiệm sự hiện diện của ngài. Kinh thánh nói rằng “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, không trung loan báo việc tay Người làm.” (Tv18b 2).
Với cảm nghiệm Chúa hiện diện như thế, tôi bắt đầu một ngày mới rất hạnh phúc và đầy lòng biết ơn Thiên Chúa của tôi.
Chia sẻ: Tuần vừa rồi lại đến phiên tôi trực mở cửa nhà thờ và dọn Thánh Lễ vào 8:00 sáng. Đêm hôm trước tôi nhận được một email của một người xin được tham dự lễ. Tôi trả lời là vẫn còn một chỗ cho bà và bà nên có mặt lúc 7:45am và đi vào nhà thờ bằng cửa hông. Lúc 7:40am tôi đến nhà thờ thì bà đã đứng đợi ở cửa dù trời lạnh giá, với một thái độ rất hân hoan là được tham dự thanh lễ.
Tôi chợt nghĩ trong đời tôi có bao giờ tôi lại có niềm vui sướng hân hoan vì được tham dự Thánh lễ như bà không? Dường như là chưa bao giờ, dù tôi đi lễ hằng ngày, nhưng tôi đi để Chúa vui chứ không phải tôi vui, cứ như là tôi đi lễ là một quà tặng cho Chúa không bằng, trong khi tham dự thánh lễ là cơ hội để tôi được ở trong nhà Chúa, được lắng nghe lời Chúa qua phần phục vụ Lời Chúa, được rước mình máu Thánh Chúa vào tâm hồn, để Chúa ở với tôi, để tôi có Chúa.
Tôi lại nghĩ đến những anh chị em tôi vì Covid mà không đến nhà thờ được. Chắc là họ nhớ Chúa lắm. Còn bao nhiêu nơi trên thế giới, nhà thờ biến thành các cơ sở thương mại hay bị cấm cách, phá bỏ. Tự nhiên tôi thấy lòng mình đầy ắp hình ảnh các tính hữu trên khắp thế giới bị bách hại. Tôi dâng tất cả những khó khăn của anh em tôi lên Chúa trong thánh lễ này.
Niềm vui của bà đánh động tôi và tôi sẽ ý thức hơn khi được phúc tham dự Thánh Lễ. Trong thánh lễ hôm ấy, tôi tham dự một cách sốt sáng và ý thức về bao ơn lành Chúa đã thương ban cho tôi. Tôi lại thấy lòng chợt trùng xuống với một niềm hối hận, vì bao ngày tôi đi dự lễ như là một bổn phận, đi cho xong mà không trân quý những giây phúc tôi được ở trong nhà Chúa, có Chúa ở ngay bên.
7/Chia sẻ về Học đạo:
Là tìm hiểu về đạo Chúa để giúp mình yêu mến Chúa nhiều hơn. Học đạo có nhiều cách như qua sách vở, thánh kinh, phim truyện, tĩnh tâm, các bài giảng…Tuy nhiên tôi cũng có thể rút ra nhiều bài học về đời sống thực tế mỗi ngày, qua những biến cố cuộc đời, qua những thăng trầm của xã hội, qua những dấu chỉ của thời đại.
Không chỉ chia sẻ những gì đang đọc, đang nghe, đang xem nhưng đúng hơn là chia sẻ những gì tôi đã hấp thụ được, đã giúp tôi biết rõ về Chúa hơn. Chuyển tải cái biết từ trí óc ấy xuống tới nguồn yêu thương nơi con tim, nơi cõi lòng.
Chia sẻ: Tôi biết Chúa là Đấng nhân từ, yêu thương không bao giờ ngài muốn con người phải đau khổ, nhưng cho con người được sống một cuộc sống dồi dào phong phú. Nhưng tại sao Chúa lại cho phép dịch bệnh xảy ra, cho kẻ ác được thắng thế, kẻ công chính lại gặp điều không may.
Tìm hiểu cựu ước, tôi thấy Thiên Chúa đã nhiều lần nhiều cách cho phép sự dữ được xảy ra vì muốn con người quay về với Thiên Chúa, là điều kiện để con người nhìn lại cách sống sai lạc của mình.
Vấn đề ở đây không phải là đi tìm lý do tại sao con người đau khổ, mà là qua đau khổ này chúng ta rút ra được bài học gì để thấy bàn tay Chúa luôn ân cần nâng đỡ tôi, để thấy cùng đích của cuộc sống không hệ tại ở thế gian này, nhưng là chốn thiên đàng vĩnh cửu.
Qua đó, tôi biết vận mạng tôi nằm trong tay Chúa, ngày tôi sinh ra, giờ tôi chết đi nằm trong tay Thiên Chúa và không ai, không đau khổ nào có thể hãm hại tôi được.
Trong hoàn cảnh thực tế hôm nay, tôi bình tâm với dịch bệnh, với bạo loạn xã hội và qua đó tìm ra bài học Chúa muốn dạy tôi. Đó là bài học phó thác. Tuy dịch bệnh khắp nơi, nhưng tôi và gia đình vẫn được bình an. Tôi lại có nhiều dịp hơn ăn cơm chung, cầu nguyện chung với gia đình. Một ngày tôi sống vẫn trọn vẹn, vẫn nắng ấm ban mai và trăng sao đêm về. Chẳng qua nỗi sợ hãi chỉ là sự lo lắng quá đáng vì Chúa đã phán qua thánh vịnh 22, xin đọc để chúng ta cùng được an ủi:
Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.
Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ.
Người đưa tôi tới dòng nước trong lành
và bổ sức cho tôi.
Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính
vì danh dự của Người.
Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u
con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng.
Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm.
Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc, ngay trước mặt quân thù.
Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm,
ly rượu con đầy tràn chan chứa.
Lòng nhân hậu và tình thương Chúa
ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời,
và tôi được ở đền Người
những ngày tháng, những năm dài triền miên.
Chia sẻ: Tôi ngồi một mình cầu nguyện, tự nhiên tôi lại nhớ về đoạn Youtube mới coi tối hôm qua. Một anh chàng to khỏe, đẹp trai tình nguyện lấy một người vợ xinh đẹp nhưng cụt cả hai chân. Họ đã có với nhau một bé trai được 2 tuổi. Người chồng kể rằng lúc mới gặp thì không biết cô này bị cụt chân, chỉ khi bắt đầu yêu thì mới biết. Anh đã phải khó khăn lắm, nhất là với bà mẹ để tiến hành đám cưới. Lấy nhau rồi, nhà chỉ có một người đi làm, lại phải mua sữa cho đứa con, gia đình anh có khi thiếu trước hụt sau. Anh chị có thể ăn ít, nhịn ăn cũng được, nhưng đứa trẻ thì cần phải có sữa đầy đủ cho nên khi thiếu thì phải đi vay mượn.
Người hướng dẫn chương trình hỏi: Anh nghĩ thế nào mà bằng lòng lấy một bà vợ bị cụt cả hai chân, không giúp được gì cho anh. Anh trả lời “Vì Yêu. Yêu nên phải hy sinh, phải chịu cực” và anh cười.
Câu trả lời của anh làm cho tôi tự đặt cho mình một câu hỏi: Tôi đã hy sinh, đã phải chịu cực vì hạnh phúc gia đình mình như thế nào. Người chồng trong câu chuyện quả là con người tuyệt vời trong đời thường. Nhìn anh, tôi lại thấy mình còn quá nhiều thiếu xót. Tôi chợt nghĩ đến những lúc gia đình tôi không được vui chỉ vì những ghen tị nhỏ nhoi, chưa biết hy sinh cho nhau. Tôi chỉ muốn hạnh phúc mà không muốn chấp nhận hy sinh.
Tôi cần phải xem lại lối sống của tôi đối với gia đình. Đúng vậy, yêu thương là phải hy sinh và Chúa cũng đã hy sinh đến nỗi chịu chết vì yêu thương tôi.
8/Chia sẻ về Hành đạo:
Là những việc tôi cùng với Chúa làm để những người xung quanh nhận ra Chúa đang hiện diện với họ. Trong chia sẻ, việc kể ra những gì mình đã làm không quan trọng bằng với tư cách là gì mình đã thực hiện công việc ấy. Chúa chính là tâm điểm là cùng đích của mọi việc tôi hướng tới.
Chia sẻ: Khi tôi đẩy thùng rác ra lề đường thì gặp một bà đi lượm ve chai đi tới. Bà nhìn tôi cười rất tươi. Tôi nghĩ bụng là cái bà này vô duyên, ai quen mà cười, cái cười của bà là cái cười cầu tài đấy mà. Nhưng chợt một ý nghĩ thoáng qua đầu tôi, “con là gì mà đánh giá người ta qua dáng vẻ bên ngoài như vậy, con cư xử với người nghèo là Ta như vậy sao”. Một phút hối hận, sau đó tôi cười lại với bà. Bà đến bên thùng rác recyle của nhà tôi mở nắp tìm thấy một vài vỏ chai nhựa, vài vỏ lon và lại tiếp tục ra đi.
Hiện thân của Chúa là người nghèo, là người bên lề xã hội. Cái ý nghĩ ấy cứ luẩn quẩn trong đầu tôi và một thoáng ân hận vì tôi đã không nhận ra Chúa nơi người nghèo. Từ đó tôi bắt đầu gom những thứ phế thải mà có thể recycle được trong nhà như vỏ lon, vỏ chai … và để vào một bao riêng treo bên ngoài thùng recyle để cho bà nhặt ve chai này tới lấy. Thường thì tuần nào bà cũng ghé để lấy, nhưng cũng có hôm có một người homeless đi qua và lấy trước bà.
Dù việc tôi làm không lớn, nhưng tôi thấy vui vì tôi đã kết hợp với Chúa để làm, tôi làm vì tình người, tình Chúa đong đầy trong trái tim tôi.
Chia sẻ: Mấy tuần qua, tôi và một số các bạn trong nhóm trẻ đã tình nguyện đến rửa mái ngói cho một nhà dòng ở địa phương này. Công việc thật vất vả nhưng rất vui vì trong lúc làm việc, chúng tôi thể hiện một tâm tình yêu thương, cùng trách nhiệm và nhất là xây đắp tình bạn chân thành trong nhóm.
Nếu có ai hỏi do động cơ nào mà tôi đi làm công tác này. Thực ra tôi chỉ nghĩ rất đơn giản là giúp nhà dòng, mà tôi là một người Công Giáo, thì việc tốt lành như thế nên tôi làm thôi. Nhưng nếu suy tư thêm thì tôi thấy là vì tôi yêu Chúa Giêsu. Các tu sĩ là những người hiến dâng trọn đời theo Chúa, còn tôi, không làm được như các ngài, là một giáo dân, hơn nữa là người Cursillita, tôi chỉ muốn tìm cơ hội góp phần vào việc xây dựng nước Chúa.
Tôi cám ơn nhà dòng đã cho tôi cơ hội để phục vụ. Tôi tạ ơn Chúa đã cho tôi sức khỏe và thời gian để thực hiện công việc này.
Những chia sẻ khác.
Chia sẻ của một người.
Tôi xin kể về chia sẻ của một người: Trong những ngày bị nhốt trong nhà vào mùa dịch, một hôm vợ chồng tôi quyết định ra dọn rác con đường trước nhà mình và cả những nhà hàng xóm. Việc làm tuy đơn giản, nhưng những người trong xóm tôi tự nhiên trở thành thân thiện hơn, gặp nhau chào hỏi không lầm lì như ngày xưa.
Việc làm tuy nhỏ nhưng mang lại kết quả rất lớn. Tôi biết tôi không mong lợi lộc gì ngoài việc reo rắc tình yêu đến mọi người như Chúa mời gọi.
Làm được như vậy giúp tôi yêu mến Chúa hơn, cuộc sống của tôi vui hơn và tôi cũng có chuyện để chia sẻ trong nhóm nhỏ của tôi hôm nay. (Một người chia sẻ)
Chia sẻ của một người: Sáng nay thức dậy, tôi thấy một bà già đang cắm cúi nhặt những trái cam rớt từ cây cam bên sân nhà hàng xóm. Bà nhặt khoảng được 5 trái, nhưng hai tay bà chỉ có thể cầm được nhiều lắm là 3 trái vì cam thì to mà bàn tay bà thì nhỏ xíu. Bà bước đi nhưng vẫn ngoái cổ nhìn 2 trái còn bỏ lại như tiếc nuối. Tôi không biết bà nhặt về làm gì, về ăn hay cho con cháu. Nhưng hình ảnh bà làm tôi bất chợt nhớ đến hình ảnh mẹ tôi. Mẹ tôi đã qua đời và hôm nay lại rơi vài chính ngày giỗ của Mẹ. Ở VN, lúc đó còn rất nghèo, mỗi lần đi ăn tiệc là mẹ tôi thường nhịn ăn phần mình để mang về cho tôi, khi thì miếng giò thủ, lúc thì nắm sôi gấc.
Nhớ mẹ, tôi ra ngồi dưới chân tượng Đức Mẹ sau vườn nhà tôi. Mẹ không còn nữa nhưng tôi còn có Đức Mẹ là mẹ của tôi. Mẹ Maria cũng thương tôi như mẹ vậy và tình thương của mẹ, cũng như tình thương của Đức Maria bắt nguồn từ tình yêu Thiên Chúa. Chính mẹ đã dâng con cho Chúa khi con vừa lọt lòng để hôm nay con có chỗ dựa trong cuộc đời, nhất là trong hoàn cảnh của một tương lại đầy bấp bênh dịch bệnh và bất ổn xã hội. Tôi thấy được an ủi và hứa hẹn một ngày đầy ân sủng, một ngày bắt đầu thật vui.
Chia sẻ của một người.
Tôi luôn có cảm tưởng là mình đang sống trong ngập tràn hạnh phúc. Tôi không giàu có hơn ai nhưng tôi cảm thấy mình rất giàu vì cần gì là tôi mua ngay mà không cần xem giá, không cần phải so đo tính toán. Tôi sung sướng nhất trên đời là vì ai cũng bận rộn với công việc mà có lúc tôi được nằm dài trên chiếc sofa trong phòng khách để xem cuốn phim mà tôi thích. Không phải ngẫu nhiên mà tôi lại có niềm vui sướng như vậy, dù đôi khi không nhận ra, nhưng chính đời sống phó thác với niềm tin trọn vẹn nơi Chúa, tôi đã được ơn bằng an như vậy.
Có bao người ngoài kia, dù họ có tất cả tiền tài, danh vọng, quyền uy mà vẫn luôn long đong tất bật, lo lắng, toan tính, hận thù.
Vậy cái cảm giác tôi có được chính là ân sủng Chúa ban. Chúa cho tôi tất cả những thứ tôi cần dù tôi không xin vì Chúa rất yêu thương tôi. Có lẽ lời nói đầu tiên trong ngày của tôi là tạ ơn Chúa và vào cuối ngày cũng là tạ ơn Chúa.
Chia sẻ của một người.
Tôi không có cảm tình với người homeless vì cho rằng họ lười biếng. Nhưng mấy ngày trong tuần qua mưa và lạnh liên tục, bất giác tôi nghĩ đến những người homeless nằm bên đường gần xóm tôi. Mỗi ngày người homeless phải lo tìm miếng để ăn, tìm áo mặc cho ấm và đêm về phải tìm chỗ để ngủ. Trong bản tin của giáo xứ, kêu gọi những ai có đồ ăn hay quần áo ấm còn xài được xin mang đến nhà thờ giao cho nhóm Columbus. Thế là tôi có dịp soạn lại quần áo ấm của tôi, tôi có quá nhiều, và tự nhiên tôi thấy như mình có lỗi vì có quá nhiều trong khi người homeless không có. Tôi định sẽ đem cho hết chỉ để lại vài bộ thôi, nhưng bà xã tôi lại bảo là còn nhiều hội khác, vì có nhiều cái áo mắc tiền mà tôi chưa môt lần mặc nên bà bảo cứ giữ để cho những người khác nữa. Tôi đành mang những bộ đã mặc rồi, nhưng còn mới mang giặt, sấy, gấp vào gọn gàng để mang đến nhà thờ. Làm được như thế tôi cũng thấy vui ở trong lòng.
Nhưng tôi lại nghe một người nói rằng bạn thương người homeless ư, bạn cho rằng họ là hình ảnh của Thiên Chúa ư, có lẽ vì họ không quấy rầy bạn. Nếu người homeless đến đóng trại vườn trước nhà bạn thì bạn còn thương họ không hay là muốn đuổi họ đi ngay.
Đó là một thách đố mà tôi chưa có câu trả lời dứt khoát. Lạy Chúa xin mở lòng con để con làm theo ý của Thiên Chúa.
9/Kết luận:
Những chia sẻ trong buổi hội nhóm nhằm giúp cho những người tham dự có cơ hội nhìn lại đời sống đạo của mình để cải tiến, để yêu Chúa hơn chứ không phải chia sẻ chỉ là để chia sẻ.
Và nếu xác định như thế thì tôi sẽ có rất nhiều điều để chia sẻ. Khi đến họp nhóm nên có sự chuẩn bị trước, để phần chia sẻ của mình đi vào mục đích của chia sẻ, để thực sự góp phần cho tiến trình hoán cải và giúp mọi người càng thăng tiến hơn trong thân tình với Chúa.
Dĩ nhiên không có chia sẻ nào là sai, và cũng không có chia sẻ nào hoàn toàn đúng, vì mỗi người mỗi khác vì thế sẽ không có phần chia sẻ nào là mẫu cả, nhưng nếu có phần chuẩn bị thì sự chia sẻ của mỗi người sẽ hướng tới mục đích của buổi chia sẻ nhóm và nhất định, bằng cách này hay cách khác sẽ đụng chạm tới trái tim của người nghe.
Nguyện Chúa chúc lành cho mọi cố gắng của chúng ta. Hãy làm hết sức mình, phần còn lại để Chúa hoàn tất và làm cho mọi việc nên trọn vẹn.
Cám ơn quý anh chị đã lắng nghe.
10/Câu hỏi thảo luận:
1 Chia sẻ trong Hội Nhóm là linh hồn của buổi hội nhóm.
2 Chuẩn bị chia sẻ như thế nào, chất liệu chia sẻ từ đâu?
3 Chia sẻ cái gì?
4 Chia sẽ thế nào?
5 Chia sẻ sùng đạo.
6 Chia sẻ học đạo.
7 Chia sẻ hành đạo.
8 Những ý kiến khác về chia sẻ.
Sau phần thông báo của anh Vương là phần chầu Thánh Thể, kết thúc buổi sinh hoạt lúc 9:10PM.